Thủ tướng yêu cầu dự thảo Luật Đất đai phải cắt giảm tối đa các thủ tục rườm rà, không cần thiết, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong giao dịch, sử dụng đất.
Sáng 10/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).
Thủ tướng cho rằng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, thời gian ít, có tác động sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp, do đó phải tập trung lắng nghe ý kiến của nhân dân, hoàn chỉnh và báo cáo Quốc hội.
Theo người đứng đầu Chính phủ, cần tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc các vấn đề tiếp thu theo tinh thần không cầu toàn, nóng vội, tôn trọng thực tiễn khách quan để luật hóa các vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh hiệu quả. Các vấn đề mới, còn nhiều ý kiến cần tiếp tục nghiên cứu, có thể thí điểm để đánh giá tổng kết, mở rộng.
Dự thảo luật cần theo nguyên tắc phát huy tối đa nguồn lực về cơ chế, chính sách đất đai để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển; hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; có công cụ kiểm tra, giám sát, tránh bị lợi dụng và tham nhũng.
“Rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong giao dịch, sử dụng đất; tránh phiền hà, tăng chi phí về thủ tục tuân thủ các quy định. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai”, Thủ tướng yêu cầu.
Theo kế hoạch, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội lần 2 tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc tháng 5) và xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm 2023.
Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh cũng rất cấp bách vì lĩnh vực bất động sản có nhiều vấn đề “nóng” phải tiếp tục từng bước giải quyết. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu trước khi trình và các luật có hiệu lực, nếu thấy các vấn đề nổi lên thì tiếp tục tập hợp, xử lý, đề xuất các cấp có thẩm quyền theo quy định để khẩn trương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý.
Thủ tướng cũng nêu ý kiến về một số vấn đề cụ thể, trong đó lưu ý thiết kế các chính sách nhằm tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu, giải trình đảm bảo chất lượng, tiến độ. Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần được khuyến khích phát triển. Dự kiến Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp vào tháng 5.
Đọc bài viết gốc Tại đây